Ngày 15/1, luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận trên Facebook cá nhân về “Nguyên nhân tăng mức phạt vi phạm giao thông”.
Tác giả cho biết, người dân trong nước đang hết sức xôn xao và lo lắng, về mức xử phạt lỗi giao thông vừa áp dụng tăng gấp nhiều chục lần, thậm chí, vượt cả mức thu nhập trung bình của người lao động.
Mặc dù hệ thống truyền thông trong nước ra sức tuyên truyền cho rằng, phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, đối với một số hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Thế nhưng, mức phạt so với luật cũ tăng từ gấp 36 lần đến 60 lần, thậm chí, vượt mức phạt của nhiều quốc gia có mức thu nhập đầu người hàng năm cao trên thế giới, đã là điều khó hiểu, đầy nghi vấn của công chúng mà ngành công an đã không thể có lời giải thích thỏa đáng.
Tác giả đặt vấn đề, nguyên nhân nào khiến cho chế độ cộng sản trong nước tăng mức phạt vi phạm giao thông đến mức độ phi lý như vậy?
Theo tác giả, bắt đầu là Quốc Hội – cơ quan lập pháp do chính Đảng Cộng sản trong nước tạo dựng với tuyệt đại đa số đại biểu là đảng viên. Thế nhưng, đã khá nhiều đại biểu hết sức băn khoăn khi Bộ Công an trình các dự thảo luật và nghị quyết, mà chỉ khi đọc tiêu đề, đã thấy rất rõ về mục đích không hề che dấu của Bộ này nhằm tăng cường, củng cố vị thế của Bộ Công an trong hệ thống chính trị, đồng thời, lũng đoạn chiếm đoạt nguồn ngân sách rất lớn của quốc gia.
Đầu tiên với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, trong một lần phát biểu ý kiến công khai tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 11/9/2020, nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát sinh thêm biên chế, chi phí từ ngân sách cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở này.
Tuy có nhiều ý kiến băn khoăn đến như thế nào đi nữa, thì ngày 28/11/2023, Quốc hội Việt Nam vẫn bị buộc phải thông qua dự luật này của Bộ Công an.
Cũng vào tháng 11/2023, Quốc hội lại tiếp tục bị ép buộc thông qua Nghị quyết phân bố ngân sách trung ương 2024. Trong đó, Bộ Công an sẽ được toàn quyền giữ lại để sử dụng đến 85% số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính, trong lĩnh vực an toàn giao thông, ước tính khoảng 6 nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng được toàn quyền sử dụng 30% số tiền bán đấu giá biển số cơ giới các loại.
Tác giả cho hay, từ 2 sự kiện vừa nêu, qua hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam, đã cho thấy mục đích gia tăng một cách quá lớn, về số lượng công an cùng với các lực lượng hỗ trợ có liên quan. Chúng có quan hệ mật thiết đến việc phải cắt xén nguồn thu ngân sách, để nuôi sống và duy trì hoạt động cho đội quân khổng lồ này của Bộ Công an.
Vẫn theo tác giả, con số hơn 110 nghìn tỷ đồng ngân sách hàng năm chi cho Bộ Công an (số liệu năm 2023) đã như muối bỏ biển, trước sự gia tăng nhân sự của bộ này, mặc cho nó đã là con số cao gấp nhiều lần so với các bộ ngành quan trọng khác về dân sinh, như Bộ Giáo dục hoặc Bộ Y tế…
Thay vì tập trung nhân lực cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… giúp tạo ra của cải vật chất cho xã hội và nguồn thu cho ngân sách. Chế độ cộng sản lại tập trung nhân lực cho ngành công an – một ngành chỉ có chi chứ không có thu, và vào ngay giữa thời bình để làm gì? Nếu không phải để tạo uy thế nhằm tranh đoạt quyền lực chính trị và đàn áp nhân dân?
Từ những sự kiện kể trên, luật sư Mạnh đưa ra nhận xét chua chát, chính sách công an trị với một tân lãnh đạo xuất thân từ ngành công an, đang tạo ra sự mất cân đối về nhân lực của nền kinh tế quốc gia, làm méo mó diện mạo của xã hội, và bần cùng hóa đất nước theo cách chưa từng có.
Minh Vũ – thoibao.de