“Thảm họa đèn đỏ”, dân bị “chôn chân” ngoài đường, Lương Tam Quang “phá hoại”!

Mấy ngày nay, người tham gia giao thông tại các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn, rất hoang mang, lo ngại, sợ bị phạt.

Các cột đèn giao thông không có đồng hồ bấm giây, khiến cho người điều khiển các phương tiện giao thông e ngại, phải đợi đến khi đèn chuyển xanh mới dám đi, cho chắc. Dừng đèn đỏ bây giờ là một áp lực vô cùng lớn, đối với cánh tài xế.

Những nơi có đèn giao thông không đếm giây, cứ như những cái bẫy, chờ người điều khiển phương tiện giao thông bị sập vào. Có những nơi, đèn xanh nhảy số, chưa đến số 0 thì đã chuyển sang đỏ, khiến nhiều xe bị phạm luật vì không kịp dừng. Có nơi, đèn xanh chỉ đúng 3 giây, không đủ thời gian cho xe vượt vạch dừng, khiến hầu hết các phương tiện đều sập bẫy.

Lại có những chốt giao thông, đèn xanh, đèn đỏ cùng sáng, loạn cả lên, khiến cho các phương tiện không dám nhúc nhích. Bởi nếu đi, thì sợ công an bảo là vượt đèn đỏ, phạt 20 triệu. Nhưng nếu không đi, thì sẽ kẹt xe nghiêm trọng. Có tài xế giấu tên than phiền, từ cầu Phú Mỹ quận 7 đến ngã 3 Cát Lái quận 2 chỉ vài cây số, nhưng đi hơn 1 giờ. Nguyên nhân là các nút giao thông bị kẹt, vì sợ đèn đỏ.

Việc các đồng hồ bấm giây nhảy không đúng, hay đèn xanh không đủ thời gian cho tài xế chạy xe, có thể xem là “lỗi kỹ thuật” của hệ thống đèn giao thông. Tuy nhiên, khi một tỷ lệ lớn đèn giao thông cùng lúc xuất hiện “lỗi kỹ thuật”, thì đấy không còn là hiện tượng bình thường. Điều này khiến người dân nghi ngờ rằng, chính quyền đang có âm mưu bẫy dân, để vét tiền của họ.

Ngày 3/1, báo chí cho biết, trụ đèn giao thông trên quốc lộ 51 đoạn qua Đồng Nai bị đơ, đèn đỏ không chuyển sang xanh, khiến tài xế không dám chạy xe, gây ùn tắc kéo dài hàng km. Trong khi đó, đoạn đường phía trước cột đèn lại khá thông thoáng.

“19 củ ai mà dám vượt” – một tài xế nói trong một clip.

Phạt nghiêm để đưa hệ thống giao thông vào trật tự là điều cần thiết. Tuy nhiên, trước khi áp dụng chính sách này, chính quyền cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc kiểm tra các đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ, đảm bảo kỹ thuật, hoạt động trơn tru, tạo điều kiện cho lưu thông được thông suốt. Đặc biệt là tại các nút giao thông lớn, cần phải bố trí cảnh sát giao thông, để giám sát và điều khiển giao thông thay đèn, nếu đèn bị lỗi.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao, cảnh sát giao thông chốt chặn nhan nhản trên đường để bắt dân làm luật, nhưng lại không có cảnh sát giao thông túc trực tại các chốt giao thông lớn, để điều khiển giao thông qua giao lộ, khi đèn bị lỗi?

Phải chăng, đây là âm mưu bẫy dân chứ không phải lỗi kỹ thuật?

Khi các nút giao thông lớn bị “lỗi kỹ thuật” hàng loạt, nhưng lại không có cảnh sát giao thông điều khiển giao thông thay đèn, sẽ gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và đất nước. Nếu đây là chính sách tinh vi nhằm móc túi dân nuôi công an, thì đấy thực sự là chính sách phá hoại đất nước, mà người chịu trách nhiệm trực tiếp không ai khác chính là ông Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông thuộc các sở giao thông vận tải quản lý. Khi Bộ Công an ban hành chính sách phạt nặng lỗi vượt đèn đỏ, thì Bộ Giao thông Vận tải cũng phải chỉ đạo các sở trực thuộc thực hiện việc kiểm tra các hệ thống đèn tín hiệu, để phục vụ dân. Thế nhưng, có vẻ như, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải không muốn phối hợp (hay cố tình phối hợp ngược), khiến cho người dân phải lãnh đủ.

Làm chính sách như chính quyền Cộng sản, chỉ dành lợi ích cho quan chức và Đảng, còn đất nước và người dân, nếu không chịu thiệt hại thì đã là may mắn rồi, nói chi đến lợi ích?

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de